image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Khái quát về tiềm năng huyện Anh Sơn

Anh Sơn có nhiều tiềm năng nguồn lực phát triển, đó là những điều kiện thuận lợi để thực hiện các khâu đột phá trong phát triển kinh tế của huyện trong bối cảnh mới:

* Vị trí địa lý: Anh Sơn có Quốc lộ 7 đi qua, nối Việt Nam với nước bạn Lào là lợi thế lớn của tuyến hành lang Đông - Tây, nối Lào - Đông Bắc Thái Lan - Mianma. Đây sẽ không chỉ là tuyến vận chuyển hàng hóa xuất và nhập khẩu quan trọng của những nước này, mà còn tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến với Anh Sơn, Cửa Lò, Kim Liên (nói chung là đến với Nghệ An). Đặc biệt Anh Sơn đang triển khai xây dựng cửa khẩu Cao Vều tại xã Phúc Sơn tạo điều kiện giao lưu trực tiếp với nước bạn Lào.

* Tài nguyên đất: Anh Sơn có diện tích tự nhiên là 60.328,40 ha (2008). Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng tỉnh Nghệ An, huyện Anh Sơn có hai nhóm đất chính là đất phù sa và đất đồi núi. Trong đó, đất phù sa chỉ chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên gồm 4 loại: bãi cát ven sông, đất phù sa được bồi đắp hàng năm, đất phù sa không được bồi và đất phù sa ngòi suối, dốc tụ. Đất đồi núi chiếm tới 85% diện tích đất tự nhiên bao gồm 8 loại: Đất Pheralit nâu vàng phát triển trên nền phù sa cổ, đất Pheralit nâu đỏ phát triển trên đá vôi, đất Pheralit đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét, đất Pheralit đỏ vàng phát triển trên đá sa thạch, đất Pheralit vàng đỏ phát triển trên đá Mácma axit (Granite), đất Pheralitic xói mòn trơ sỏi đá, đất Pheralitic trên núi (độ cao từ 200 - 700 m), đất Pheralitic mùn trên núi (độ cao 800 - 1.500 m).

* Tài nguyên nước, khí hậu: huyện Anh Sơn có 3 con sông lớn chảy qua: sông Lam, sông Con và sông Giăng. Trong đó, sông Lam là lớn nhất, chảy từ hướng Tây sang Đông, qua 17 xã (từ Tam Sơn đến Lĩnh Sơn) dài 72 km. Lưu lượng bình quân (tại Dừa) mùa kiệt là 80 - 100 m3/giây, mùa lũ là 1.000 - 1.200 m3/ giây. Trung bình 424 m3/ giây.

Ngoài các sông kể trên, huyện có 72 hồ chứa nước, cùng hệ thống khe, suối với diện tích mặt nước gần 3.000 ha, là huyện có nguồn nước mặt thuận lợi để cấp nước cho nông nghiệp và dân sinh. Song nguồn nước phân bố không đều giữa các vùng, các mùa, mực nước lại thấp so với độ cao đồng ruộng, địa hình không bằng phẳng lại bị chia cắt lớn. Vì vậy, hiện tượng khô hạn trong mùa nắng nóng, lũ lụt về mùa mưa hàng năm vẫn xảy ra trên diện rộng.

- Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc trưng của khí hậu vùng Tây Nam Nghệ An. Có 2 mùa rõ rệt: mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 23,50C, tháng 7 có nhiệt độ cao nhất (350C), tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất (40C). Lượng mưa bình quân là 1.760 - 1.820 mm, tập trung vào 3 tháng (8, 9, 10) chiếm 60% lượng mưa cả năm.

* Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản chủ yếu là nhóm làm vật liệu xây dựng: Đá vôi xi măng có ở Hội Sơn, trữ lượng khoảng 3.300 triệu tấn, chất lượng đảm bảo cho sản xuất xi măng. Ngoài ra còn có ở Long Sơn, Phúc Sơn...; Sét xi măng ở Hội Sơn, Phúc Sơn, trữ lượng khoảng 125 triệu tấn; Đá vôi xây dựng có ở nhiều xã trong huyện, trữ lượng rất lớn, dễ khai thác và vận chuyển. Ngoài ra Anh Sơn còn có Phốtphorit ở Tường Sơn (hang Lèn Mọ, Xin Nghi, Ao Các), hàm lượng P­205 chiếm 8 - 16%, trữ lượng khoảng 240.000 tấn, hiện chưa tổ chức khai thác; Quặng đa kim loại ở Thọ Sơn...

* Tài nguyên rừng: toàn huyện có 35.192,79 ha đất lâm nghiệp, trong đó: Rừng sản xuất có 24.924,26 ha; Rừng phòng hộ: 8.023,83 ha; Rừng đặc dụng: 2.244,70 ha. Theo số liệu điều tra của ngành lâm nghiệp tỉnh, trữ lượng gỗ huyện Anh Sơn khoảng 650.475 m3; 21,5 triệu cây nứa (228 ha). Ngoài ra còn có song, mây, cây dược liệu và nhiều loại động vật quý hiếm. Rừng đặc dụng ở Anh Sơn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát. Tiềm năng lâm nghiệp của Anh Sơn rất lớn và đa dạng. Đất lâm nghiệp chủ yếu là đồi và núi thấp, độ dốc không lớn, thổ nhưỡng tốt do vậy không phải đầu tư nhiều vào tu bổ, chăm sóc. Điều kiện kết hợp nông, lâm thuận lợi. Vấn đề đặt ra là cần phải bảo vệ tốt diện tích rừng và khai thác hợp lý nguồn lợi lâm sản.

* Tiềm năng về dân số và nguồn nhân lực: Toàn huyện có 27.382 hộ, trong đó có 101.614 khẩu, lao động trong độ tuổi: 53.748 người, trong đó nữ: 26.699 người chiếm tỷ lệ 49,67%, lao động có việc làm ổn dịnh 51.822 người chiếm tỷ lệ 96,41 %, lao động chưa có việc làm ổn định 1.650 người chiếm tỷ lệ 3.06 % lao động chưa có việc làm, lao động đã được đào tạo nghề 5.960 chiếm tỷ lệ 11,08%, lao động chưa được đào tạo nghề 47.788 người chiếm tỷ lệ 88,91%. Lực lượng lao động có kỹ năng lao động là 43.235 người, trong đó, lao động nông - lâm - ngư chiếm 74,7%, lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 9,6%, lao dộng dịch vụ, thương mại chiếm 15,7%. Hàng năm huyện đã tạo việc làm cho 1.649 người.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, trong chặng đường phát triển sắp tới, Anh Sơn còn có những cơ hội căn bản và thuận lợi.

- Trong quá trình phát triển hiện nay của kinh tế thế giới, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu. Nước ta đã gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) sẽ có điều kiện tốt hơn để tận dụng các cơ hội mở rộng khả năng hợp tác kinh tế quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát huy tốt hơn nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

- Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực khoa học công nghệ then chốt khác sẽ phát triển theo chiều sâu và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, có những tác động to lớn đến việc cơ cấu lại nền kinh tế thế giới theo khả năng tiếp thu trình độ công nghệ của mỗi nền kinh tế. Quá trình phát triển đi lên là quá trình chuyển dịch từ lợi thế so sánh này sang lợi thế so sánh khác được tạo ra và có khả năng thu nhập cao hơn.

- Là một huyện miền núi, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là đất trồng cây công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, là vùng đệm của rừng Quốc gia Pù Mát, nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (đã được UNESCO công nhận) sẽ là địa chỉ thu hút đầu tư, thu hút du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nếu biết khai thác tốt.

- Đối với cả nước, mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã trở thành mục tiêu nhất quán của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển, nhiều chiến lược và quy hoạch ngành, vùng, lãnh thổ... Do vậy, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng góp phần thực hiện mục tiêu này cũng là mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Anh Sơn.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu:

+ Tiếp tục đổi mới và tạo đột phá để phát triển nhanh,bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

+ Tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, vùng, khu trọng điểm và phát triển mạnh một số lĩnh vực, sản phẩm đột phá nhằm tạo đà tăng trưởng nhanh nền kinh tế.

+ Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, xây dựng một nền nông - lâm nghiệp, thủy sản đa dạng, gắn với bảo về tài nguyên và môi trường sinh thái.

+ Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

+ Coi trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, khai thác các nguồn lực của tỉnh và bên ngoài.

Trich từ cuốn Anh Sơn trong dòng chảy lịch sử

Tin khác
Không có dữ liệu
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ANH SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban biên tập
Địa chỉ: K5 Thị trấn Anh Sơn, Huyện Anh Sơn, Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3 872 462- E-mail: congthongtindientuanhson@gmail.com